Ngày 15/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Văn bản này tiếp tục khẳng định định hướng chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các cơ chế sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ và tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn điện sạch, trong đó đáng chú ý là định hướng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
1. Mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
2. Phương án phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo
Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối v.v...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.
Cụ thể, đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mặt nước phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có.
Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời (trong đó có điện mặt trời trên mái nhà dân, trung tâm thương mại, mái các công trình xây dựng, mái nhà xưởng, khu công nghiệp, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh) tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Phát triển điện mặt trời tập trung phải kết hợp với lắp đặt pin lưu trữ với tỷ lệ tối thiểu 10% công suất và tích trong 2 giờ.
3. Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam
Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất - 837.400 MW, mặt nước - 77.400 MW và mái nhà - 48.200 MW). Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không tính đến các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) đạt 46.459 - 73.416 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 293.088 - 295.646 MW.
4. Cơ cấu nguồn điện đến năm 2030
Điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) 46.459 - 73.416 MW (chiếm tỷ lệ 25,3 - 31,1%).
5. Điều chỉnh linh hoạt nguồn điện mặt trời
Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai, vay vốn và thay đổi cổ đông sẽ cập nhật quá trình xử lý để điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối cho phù hợp với nhu cầu.
Nguồn: Báo Chính phủ