Mô hình mua bán điện trực tiếp (DPPA) đang mở ra hướng phát triển linh hoạt và minh bạch hơn cho các doanh nghiệp sử dụng điện lớn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và yêu cầu giảm phát thải ngày càng rõ nét.
Việc cho phép mua bán điện qua lưới riêng, đàm phán giá điện tự do và khả năng tiếp cận nguồn điện tái tạo đáng tin cậy không chỉ tạo lợi ích kinh tế mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực ESG, tăng sức cạnh tranh chuỗi cung ứng và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
1. Mô hình DPPA – Cầu nối giữa doanh nghiệp và nguồn điện xanh
Mua bán điện trực tiếp là hình thức giao dịch điện năng giữa đơn vị phát điện tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Việc này có thể thực hiện thông qua:
- Lưới điện kết nối riêng giữa hai bên.
- Lưới điện quốc gia, trong đó bên phát bán điện lên thị trường giao ngay và bên mua ký hợp đồng mua điện với công ty điện lực.
2. Điều kiện để tham gia: Tính minh bạch và phù hợp quy hoạch
Các bên tham gia mô hình phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, có đầy đủ giấy phép hoạt động, và tuân thủ các quy định về an toàn, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, hợp đồng mua bán điện phải rõ ràng, đúng pháp lý và phù hợp thực tế vận hành hệ thống.
3. Doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn: Ai có thể tham gia?
Doanh nghiệp đã hoạt động trên 12 tháng: Sản lượng tiêu thụ điện bình quân trong năm phải đạt mức tối thiểu theo quy định vận hành thị trường.
Dưới 12 tháng: Phải đăng ký sản lượng tiêu thụ tương ứng, được xác nhận bởi đơn vị điện lực cung cấp.
4. Mua bán qua lưới điện riêng: Chủ động đàm phán, tối ưu chi phí
Hợp đồng mua bán điện giữa hai bên được đàm phán trực tiếp, không vượt quá mức giá trần theo khung giá từng loại hình nguồn điện. Đây là một trong những ưu điểm lớn nhất của mô hình DPPA, giúp doanh nghiệp chủ động trong chiến lược tài chính và tối ưu chi phí năng lượng dài hạn.
5. Xử lý điện dư: Rõ ràng và có kiểm soát
Doanh nghiệp có thể bán lượng điện dư cho EVN hoặc đơn vị bán lẻ điện, với điều kiện: Tỷ lệ không vượt quá 20% sản lượng thực phát nếu là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Đối với các khu công nghiệp hoặc cụm doanh nghiệp có dùng chung hệ thống, phần điện dư được bán lại với giá thỏa thuận nhưng không vượt quá mức giá trần của điện mặt trời mặt đất.
6. Hơn 1.500 doanh nghiệp lớn – lực đẩy cho thị trường điện tái tạo
Hiện có trên 1.500 khách hàng sử dụng điện với sản lượng từ 1 triệu kWh/năm trở lên, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống.
Đây là nhóm khách hàng chiến lược có tiềm năng dẫn dắt mô hình DPPA và thị trường năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường và phát thải carbon thấp.
Theo Vietstock